Tài khoản

Cho con bú đúng cách: Khớp ngậm chuẩn và tư thế bú đúng cực kỳ quan trọng

Huyền Linh 4 năm trước

Để duy trì việc cho bé bú mẹ hoàn toàn, điều đầu tiên và quan trọng nhất mẹ cần nắm đó chính là cho con bú khớp ngậm chuẩn và tư thế bú đúng.

Xem nhanh

  • Ảnh hưởng của tư thế bú và khớp ngậm khi bé ti mẹ
  • Chọn tư thế bú và khớp ngậm đúng cho trẻ
  • Cho bé bú đúng cách

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hành trình nuôi con bằng sữa mẹ như yếu tố về dinh dưỡng, yếu tố tâm lý, yếu tố về sức khỏe của mẹ. Có một yếu tố cực kỳ quan trọng mình nghĩ ít người để ý, nhưng lại ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc bé bú tốt, gọi sữa mẹ về đủ chính là tư thế bú đúng và một khớp ngậm chuẩn. Tại sao lại vậy? 

1Ảnh hưởng của tư thế bú và khớp ngậm khi bé ti mẹ

Trẻ bú mẹ giống như việc người lớn uống nước vậy. Không bú đúng, khớp ngậm không chuẩn thì không thể bú sữa thuận lợi được. 

Một tư thế bú không đúng sẽ khiến trẻ khó nuốt sữa một cách hiệu quả, trẻ dễ bị sặc sữa. 

Một khớp ngậm không chuẩn bé không bú được hiệu quả. Cụ thể, bé không ép được các nang sữa tạo sữa để đưa sữa vào miệng, bé không rút được tối đa lượng sữa trong ngực mẹ khiến bé cảm thấy bú không đã, bé không no được nên dần dần chán bú, bỏ bú. Vì không uống được nhiều sữa, ngực mẹ sẽ dư thừa sữa dẫn đến tình trạng cơ thể hiểu lầm mẹ đang thừa sữa và dần dần ít sữa, mất sữa. Nếu tình trạng này kéo dài, bé sẽ không nhận được đủ chất dinh dưỡng và không phát triển tốt được. 

Riêng với mẹ, nếu bé bú không chuẩn, mẹ rất dễ bị đau đầu ti, bé cáu vì không bú được sữa có thể cắn nát đầu ti mẹ, thỉnh thoảng mẹ còn bị nứt đầu ti rất khó chịu, mỗi lần bú không khác gì cực hình. 

Tư thế bú và khớp ngậm chưa chuẩn có thể khiến bé bỏ bú mẹ (Ảnh: Internet)

2Chọn tư thế bú và khớp ngậm đúng cho trẻ

Nguyên tắc chung về tư thế bú đúng

  • Bụng bé áp sát vào bụng mẹ

  • Đảm bảo phần tai - vai - hông của bé trên cùng một đường thẳng.

Nếu mẹ thấy đầu bé quay vào ti mẹ nhưng người bé lại nằm ngửa ra, bụng không áp sát bụng mẹ, phần tai vai hông không thẳng nghĩa là bé đang bú sai tư thế rồi đấy. 

Với các mẹ lựa chọn tư thế bú như bú nằm cạnh bên, bú ôm chéo, bú ôm bóng, bú ngả lưng về sau,... tư thế có thể khác nhau nhưng những nguyên tắc chung mình đề cập phía trên mẹ cần chú ý đảm bảo, nhất là phải đảm bảo được phần tai - vai - hông của bé trên cùng một đường thẳng các mẹ nhé. 

Nguyên tắc chung về khớp ngậm chuẩn

Mẹ quan sát khi bé bú có một số biểu hiện dưới đây nghĩa là bé đã bú đúng khớp ngậm rồi nhé, không có những biểu hiện này là bé bú sai, mẹ cần chỉnh lại cho con liền nè. 

  • Miệng bé há to, 2 môi bé trề xuống. 

  • Cằm bé chạm ngực.

  • Mũi bé hở, không áp sát ngực, giúp bé thở được bình thường. 

  • Bé ngậm cả quầng vú chứ không chỉ ngậm đầu ti và thông thường bé sẽ ngậm quầng vú dưới nhiều hơn quầng vú trên. 

Đảm bảo tư thế bú đúng và khớp ngậm chuẩn giúp bé ti mẹ hiệu quả hơn (Ảnh: Internet)

3Cho bé bú đúng cách

Ngoài tư thế bú đúng, khớp ngậm bé chuẩn, để cho con bú đúng cách nhất, các mẹ sữa cùng mình lưu ý thêm một số vấn đề khác nhé: 

Cho bé bú theo nhu cầu

Bé đã bú đủ, bé sẽ tự dừng. Khi bé đói, bé sẽ có dấu hiệu đòi mẹ cho con bú, chỉ cần mẹ bắt chuẩn tín hiệu của con là được. Với những em bé phát triển bình thường, bé sẽ không bao giờ để bản thân mình bị đói nên ba mẹ không cần lo lắng quá nếu bé bú ít, mẹ chỉ cần hiểu con và đáp ứng nhu cầu của con kịp thời là được. 

Thời gian cho bé bú

Cá nhân mình nghĩ rằng nên có khoảng thời gian cố định cho một cữ bú, dù bé bú ít hay bú nhiều. Mình áp dụng cữ bú 20 phút. Nghĩa là trong khoảng thời gian 20 phút, mình sẽ đảm bảo con ngậm khớp chuẩn, sữa mẹ có đủ, tư thế bú của con thoải mái, còn lại để con thỏa thê bú. Nhưng hết 20 phút, việc bú mẹ sẽ dừng lại, mọi chuyện ăn uống của con sẽ để dành bữa sau mà không cho con ăn vặt, ít ăn linh tinh để con biết đói và bữa sau bú nhiều hơn. Việc này giúp cho bé nhà mình dần dần học được rằng, nếu không ăn nhanh sẽ bị đói, con sẽ không còn “la cà”, từ từ nhấm nháp ti mẹ nữa mà sẽ tập trùng ăn uống và việc bú sữa mẹ một cách hiệu quả hơn. Mình thấy rất nên làm. Đây là một lời khuyên của mình dành cho các ba mẹ. 

Không để sữa dư trong ngực quá nhiều

Việc dư thừa sữa trong ngực quá lâu sẽ khiến cơ thể mẹ cảm thấy mẹ đang thừa sữa và dần dần ít sữa, thậm chí là mất sữa, đấy là chưa kể mẹ có thể bị tắc tia sữa nữa. Cho nên, nếu bé đã quá no và không thể bú hết, ba mẹ nên lựa chọn phương án vắt sữa ra và trữ đông lại, đề phòng trường hợp sau này. Mẹ có thể áp dụng các kỹ thuật vắt sữa bằng tay hoặc vắt sữa bằng máy tùy theo điều kiện của từng gia đình nhưng vắt sữa dư thừa là cần thiết các mẹ nhé. 

Nắm chắc dấu hiệu bé đã bú đủ

Để biết bé đã bú đủ và việc bé dừng bú là “đúng theo nhu cầu” chứ không phải vì bất kỳ lí do gì khác, mẹ ghi nhớ một số dấu hiệu như vú mẹ mềm hơn sau khi cho bé bú, bé đi tiểu 6 - 8 lần trong ngày với nước tiểu trong, bé phát triển tốt với những kỹ năng học được mỗi ngày đều đặn, phù hợp với độ tuổi. 

Việc cho bé bú mẹ đúng cách cần rất nhiều yếu tố, nhưng khớp ngậm chuẩn, tư thế bú mẹ đúng là những yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo những yếu tố khác thành công. Mẹ đừng quên chuẩn bị đây đủ bộ dụng cụ hỗ trợ để duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ một cách hiệu quả nhất nhé. Một chút thông tin hi vọng là chia sẻ hữu ích tới các ba mẹ nhé.

Theo Bibabo.vn